Ở giữa mây trời

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một sáng sau khi trở dậy, tôi thấy mình có cả bầu trời. Đó là ngày tôi biết chú Hải về lại thế giới này để khởi nghiệp. Tôi và người dân trong vùng không biết chú đã vùng vẫy ngoài thành phố thế nào, chịu khổ ra sao với cuộc hôn nhân bao thao thiết, hy vọng bỗng phải chia ly.
Ở giữa mây trời
Ảnh minh họa

Nhưng những gì chú đang làm ở quê hương cho thấy sự tự tin đã được đổ tràn trong tâm hồn con người cứng cỏi ấy. Chú muốn biến đổi khu đất đã trở nên bạc nhược bởi nhiều cách gieo trồng thiếu khoa học. Con sông và sự phong phú của nguồn nước sẽ lại nuôi dưỡng mảnh đất bạc màu này. Chú dùng công nghệ trồng rau sạch, như cách người ta vẫn làm để cảm hóa những tâm hồn đánh mất phương hướng.

Chuyện về chú, chủ yếu tôi nghe người ta kể lại. Phần mình, tôi luôn tha thiết sống để có thể chia sẻ và giúp mẹ thấy niềm vui. Có lúc, mẹ từng tự hào rằng, đứa con gái bị khiếm khuyết, nhưng nghị lực của nó cứ như những cái cây được gieo trong đất tốt và sinh hoa trái. Tôi vui vì lời khen của mẹ và thân thương yêu thế giới của mình. Mẹ nói đúng thôi. Dù tôi phải ngồi xe lăn thì chuyện học hành cũng không thể đứt quãng, lực học vẫn được bảo đảm. Tôi vẫn có những người bạn thân, sống đời đức tin và làm đẹp cuộc sống mình bằng khả năng thêu thùa. Bố tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Từ đó mẹ ở vậy nuôi tôi dù có lúc lời qua tiếng vào làm phiền lòng cả những đóa hoa ven nhà. Khi mọi chuyện qua đi, êm đềm trở lại, gia đình đôi bên có giục mẹ đi bước nữa nhưng mẹ lắc đầu, bảo lòng mình đã khô cằn, như đất đồng bãi đã cằn cỗi, chỉ cỏ dại mọc. Ô hay, đất cằn có thể cải tạo. Lòng người cũng vậy. Hãy cứ tưới thanh xuân và những cơn mưa ấm lên quả tim hy vọng. Mẹ lắc đầu, bảo chỉ cần có tôi. Tôi không ích kỷ chỉ muốn mẹ mãi ở vậy, phục vụ mình. Nếu có một người thương, dành cho một vùng trời êm ái, thì tôi mong mẹ đừng khóa cứng lòng mình. Tôi thì vẫn phải lớn lên, có ước mơ riêng mình. Cuộc sống là nghị lực tiếp nối nghị lực, cơn mơ này qua rồi đến ước vọng khác. Như vậy mới là cuộc sống.

Chú Hải ngày xưa có chơi với bố tôi. Hai người quý nhau, tất nhiên không quá thân. Hôm trang trại của chú gần hoàn thiện, chú có đến mời mẹ tôi tham gia. Mẹ là người khéo tay, từng gieo những luống hoa, rau màu đều tăm tắp. Mẹ cảm ơn, bảo để cân nhắc, bởi công việc đồng áng đã bận bịu. Chú Hải có nói với tôi: “Cháu cũng động viên mẹ giúp chú. Bây giờ làm rau màu nhỏ lẻ, vất vả mà thu nhập không cao. Khi làm rau công nghệ, ta dùng kỹ thuật sẽ cho những vụ rau sạch”. Tôi mừng quá. Rau sạch và những bữa ăn an toàn là ước vọng của bao tổ ấm. Mọi việc của chú Hải đều có lý và hợp thời. Và mẹ, nếu có thể dồn ruộng, cùng làm thì tuyệt vời biết bao. Tôi không muốn mẹ vất vả gieo trồng thô sơ mà cuộc sống có lúc vẫn kham khổ.

Song đó là chuyện của người lớn. Chú Hải là người dễ gần và lần này, chú mang theo một quyết tâm lớn. Hoa, rau màu trong trang trại của chú cứ bời bời lớn. Người làng lúc đầu còn nghi ngờ về khả năng, thì nay đều ngả mũ thán phục chú. Đất cằn cỗi đã trở nên tốt tươi mỡ màu. Mẹ bảo, đó là nhờ hai bàn tay và khối óc quyết tâm của chú Hải. Khi chú hay sang nhà tôi thì trong xóm bắt đầu có chuyện bàn tán, rằng chú và mẹ tôi thích nhau. Chưa hẳn là khinh miệt. Tôi mong duyên lành ấy có kết quả tốt. Nếu quả thực, chú đã gói ghém được tất cả mọi chuyện trong quá khứ để chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân mới, vững chãi hơn thì cũng nên lắm. Nếu được như thế, tôi mong những thanh âm ngày xưa của chú nếu còn vọng lại, thì hãy là những hương thơm, để mọi người đừng làm đau nhau. Tôi học lớp mười hai, đủ lớn để thông cảm, đủ hiểu để không ích kỷ trói buộc đời mẹ trong âm thầm cô đơn. Cuộc sống mà, tôi ham đọc truyện và từng thấy những nứt vỡ âm thầm của bao tổ ấm và nỗi khổ hạnh của người không dám vượt qua chính mình. Tôi mong mẹ không như vậy. Cũng như tôi, mẹ đã động viên con gái vượt qua giới hạn, tiếp xúc chữ nghĩa, học thêm những gì mình thích để sau này làm một người không phụ thuộc. Tôi cũng biết, ở đời vẫn có người con gái như mình dám vượt qua giới hạn, cho tuổi thanh xuân được ngân lên cùng những cung đàn êm ái du dương hạnh phúc. Người ta sống và mơ ước thì có gì sai. Tôi đã từng tuyệt vọng bởi những khiếm khuyết và rồi thấy cứ ù lì trong tuyệt vọng cũng chẳng giúp mình đứng lên. Vậy thì, sao tâm hồn không đứng lên trước, để chiếc xe lăn kia không chỉ là vật giúp đỡ, mà còn là bạn với mình. Và việc không đi lại bình thường như người khác, cũng có thể biến thành lợi thế.

Mẹ đã dồn ruộng để được một ô lớn ngay cạnh trang trại của chú Hải. Đó là cả một sự cố gắng. Khi đồng ý gom đất với chú để mở rộng trang trại trồng rau sạch, cũng là lúc mẹ chấp nhận tình cảm âm thầm của một người giàu quyết tâm. Quyết tâm làm giàu trên quê hương. Tối ấy mẹ hỏi tôi: “Con thấy thế nào?”. Tôi thưa rằng, con đồng ý. Mẹ cũng hỏi chú Hải có ổn? Tôi gật. Chú ấy là người ấm áp, và chắc chắn thương con. Tôi biết, mẹ hỏi chỉ để khẳng định thêm. Mẹ có dự định của mình rồi.

Hằng ngày, mẹ vào trang trại chú Hải làm. Gần mười người làng cùng làm trong đó. Trang trại rau sạch đầu tư nhà lưới, có khu đầu tư giàn phun hiện đại, nhìn lạ lẫm ở vùng quê này. Những người làm trong đó giờ đều thạo việc. Thương lái tấp nập về mua và đặt hàng. Mấy cửa hàng nhỏ trên thị trấn cũng về đặt hàng. Rau, hoa làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết đến đó. Cũng chẳng ai bàn tán thêm chuyện hai người. Mọi việc diễn ra tự nhiên như thể mẹ đã là vợ và trang trại là của chung. Tôi vui vì điều đó. Các bạn đến nhà chơi, thấy thần sắc tôi tươi tắn hơn, có hỏi. Tôi chưa muốn thổ lộ điều gì khi còn chưa rõ ràng. Tuấn Nam động viên tôi cố để thi một trường đại học. Tôi biết, với lực học khá, chuyện đỗ vào một trường đại học bình thường cũng chẳng mấy khó khăn. Nhưng thi đỗ và đi học sẽ là hành trình đầy khó khăn mà điều đó sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn đối với mẹ. Mẹ sẽ khổ, áp lực nhiều hơn vì con gái. Còn tôi ở nhà, thêu thùa, vẽ tranh, làm các công việc phù hợp, vẫn có thể ở bên mẹ, ông bà, người thân. Nói với mẹ điều đó, mẹ bảo tôi tùy chọn, nếu ước mơ đi học cũng là điều tốt. Tôi ôm mẹ: “Con ở nhà thôi mẹ ạ”.

Công việc ở trang trại đang ổn và tình cảm giữa mẹ và chú Hải ở thời điểm thật ngọt ngào thì xảy ra chuyện. Là cô Mây, vợ cũ của chú ở thành phố ôm con tìm về. Ngày chia tay chú đã âm thầm chấp nhận ra đi tay trắng, để lại nhà cho mẹ con cô Mây. Thế rồi cô bán đi, ôm con vào Sài Gòn theo một người đàn ông khác với ước vọng mơ hồ. Nghe đâu ở trong đó, cô bị lừa tiền đến nỗi kiệt quệ mà tình cũng chẳng còn. Về thành phố, cuộc sống cũng nhớn nhác, quăng quật, đành ôm con về quê chồng.

Chú sẽ làm gì đây, khi những vết thương cũ đã tạm lành và cánh đồng mênh mông đầy nhiệt huyết trong chú đang tốt tươi? Đó là chuyện của chú. Tôi và mẹ chỉ còn biết đợi. Tôi thấy mẹ buồn mênh mông như áng mây chiều đông. Lờ nhờ. Lạnh lẽo. Không biết gia đình chú Hải nói gì, mà cô Mây để con ở đó, rồi đi. Chuyện này chú chủ động nói với mẹ. Chú nói rằng, xưa kia Mây quá ương bướng, đuổi theo bao chuyện viển vông và phụ tình chồng. Cô như con ngựa bất kham, chẳng gì kìm giữ. Giờ thất vọng ê chề, cô về xin lỗi chú và gia đình, nhờ chú chăm con chứ chẳng mong được tha thứ, nối lại tình xưa. Cô Mây sẽ về quê, tìm một công việc ở khu công nghiệp để làm, nương nhờ cha mẹ. Cô chỉ mong thi thoảng cho được nhìn mặt con trai. Chú đồng ý. Tấm lòng nhân hậu của chú không từ chối cô. Dù thế nào, chú cũng không thể xuống nước, để có thể cứu vớt đời cô lần nữa. Chú đã nhiều lần tha thứ rồi.

Để mẹ khỏi đợi chờ, chú đi đến quyết định nhanh chóng. Mẹ và chú làm vài mâm cơm, báo cáo, xin phép gia đình, họ hàng để chính thức là vợ chồng. Đó là những ngày vui và giản dị, đã thắp lên mắt mẹ bao niềm vui và làm tâm hồn tôi nảy sinh hy vọng.

Khu trang trại cũng được chất đầy hy vọng và kết sinh hoa trái, rau màu đã thắp vào đời sống vùng quê này luồng sinh khí mới. Nhiều bà con trong làng hồ hởi muốn đóng góp cho khu trang trại, cánh đồng quê hương. Trái tim mẹ thầm vui. Mẹ thành “bà chủ” của trang trại, tất bật tổ chức sản xuất, chăm sóc, xuất hàng, sổ sách. Mấy chục người đã tham gia làm việc ở trang trại. Vài năm trước, làng hăm hở xây dựng nông thôn mới, mô hình táo bạo như dượng Hải làm quả là hiếm hoi. Giờ làng đã xuất hiện vài trang trại. Những nếp nhà mới trở thành mỗi đóa hoa nơi làng quê. Trang trại rau công nghệ của bố dượng và mẹ là mô hình đổi mới đầu tiên ở xã. Tôi lăn xe, dạo giữa thênh thang đồng, hoa đồng nội thắp vào nền đồng quê vẻ đẹp giản dị. Tuấn Nam đi tìm, anh đạp xe chầm chậm hướng về phía tôi, trong không gian kỳ diệu của một vùng nhân nghĩa.

Vụ rau và hoa thắng lợi. Bà con trong làng vui mừng và đầy biết ơn người đã mang cách nghĩ, cách làm mới về làng. Vùng rau của làng cũng được quy hoạch, học hỏi cách làm ăn mới. Tôi ra vườn ngắm những đóa hoa xinh, rồi ngửa mặt nhìn trời. Ôi những đám mây diễm vóc trắng xanh đầy mơ ước. Sao lúc này tôi thấy bầu không khí quê mình ngọt ngào đến thế. Tuấn Nam tỏ tình với tôi, cũng dịu dàng như dượng Hải tỏ tình với mẹ. Có lần mẹ nói: “Mẹ yêu người đàn ông, tưởng chỉ biết gieo hạt vào mây xanh và sự vô vọng. Nhưng người ấy đã dám và làm đúng. Giờ trong mỗi tấc đất, mỗi vầng mây đã nở hoa và kết trái ngọt”. Tôi đã nói: “Vâng, con mừng mẹ”. Nghĩ lại, tôi nở nụ cười một mình. Mẹ ở trong nhà ngắm con gái, rồi gọi: “Này, vào ăn cơm đi con. Cười gì một mình ngoài đó?”. Tôi thưa: “Dạ, con cười với những đám mây”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật