Bản Mạ - Từ bản nghèo biệt lập đến điểm check-in “hút” khách ở Thanh Hóa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từng là một bản nghèo nằm biệt lập bên dòng sông Chu, bản Mạ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) ngày nay trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ghé thăm.
Bản Mạ - Từ bản nghèo biệt lập đến điểm check-in “hút” khách ở Thanh Hóa
Nhìn từ xa, bản Mạ đẹp bình dị với những nếp nhà sàn nguyên sơ.

Xuất hiện trên bản đồ du lịch ở miền Tây xứ Thanh mới vài năm trở lại đây, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) như một "làn gió mới" góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở huyện nghèo.

Bản Mạ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây, nơi đây có 55 hộ dân với 238 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. 

Bản Mạ xưa kia nằm biệt lập bên dòng sông Chu, người dân sống chủ yếu bằng việc cuốc nương, làm rẫy. Để giao thương, người dân phải dùng bè mảng, thuyền vượt dòng sông Chu ra bên ngoài. 

Theo ông Vi Thanh Tiên (47 tuổi), trước đây người dân sống chủ yếu theo kiểu tự cung, tự cấp, vì không có đường bộ để ra bên ngoài nên mọi mặt đời sống khó khăn, thiếu thốn.

Sau khi có cầu treo bắc qua sông Chu, người dân bản Mạ đã thuận lợi trong giao thương, đi lại, phát triển kinh tế.

"Ngày trước, mỗi khi muốn ra bên ngoài chúng tôi phải dùng bè mảng, thuyền để đi qua sông Chu. Việc học của các cháu cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, mỗi khi trong bản có ai ốm đau, bệnh tật cần đưa đi cấp cứu thì đó là lúc rối ren nhất", ông Tiên nói.

Bản Mạ những năm trở lại đây đang là điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ghé thăm.

Từ năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng như một bước "đột phá" đưa cuộc sống của người dân nơi đây sang trang mới. Từ một bản nghèo đơn sơ, bản Mạ bây giờ trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ghé thăm.

Theo ông Hoàng Sỹ Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Thường Xuân, kể từ khi có cây cầu treo, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Cây cầu cũng đã đưa bản Mạ từ một bản nghèo thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Bản Mạ đẹp bình dị trong mùa lúa chín (Ảnh: CTV).

"Hiện nay, tại bản Mạ có 11 hộ đang kinh doanh các dịch vụ du lịch. Thu nhập bình quân tăng hơn những năm trước kia, đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng", ông Hùng thông tin.

Đến với bản Mạ, du khách sẽ được hòa mình vào nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái (Ảnh: CTV).

Cũng theo ông Hùng, bản Mạ có vẻ đẹp nguyên sơ và bình dị gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nơi đây còn lưu giữ 30 ngôi nhà sàn cổ, nhiều hộ dân còn lưu giữ được nghề thêu, dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống.

"Đến với bản Mạ, du khách sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...

Những năm qua, xác định bản Mạ là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên, cũng là điểm du lịch có tiềm năng và thế mạnh nên địa phương luôn chú trọng để nơi đây sẽ là điểm du lịch nổi tiếng của Thường Xuân", ông Hùng cho biết thêm.

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị núi rừng (Ảnh: CTV).

Là một trong những hộ dân đầu tiên làm du lịch ở bản Mạ, chị Hà Thị Tuyến - cho biết: "Sau khi có quyết định bản Mạ là điểm du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng làm dịch vụ du lịch. Nhờ có du lịch mà cuộc sống gia đình thay đổi nhiều, đỡ khổ hơn trước kia".

Theo chị Tuyến, 2 năm qua, bản Mạ được nhiều người biết đến, du khách về ngày một đông, có thời điểm tại gia đình chị đón 400 lượt khách/ngày, các phòng lưu trú kín đơn đặt.

"Chúng tôi cũng rất vui mừng vì bản làng ngày một đổi thay. Vừa qua gia đình vừa vay thêm 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng hệ thống homestay và các phòng ở để phục vụ du khách. Hy vọng, thời gian tới, bản Mạ sẽ được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến hơn nữa để nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người", chị Tuyến tâm sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật