“Không thể nói thay đổi SGK khổ to, giấy đẹp rồi dồn hết vào giá sách để phụ huynh phải chịu”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước tranh cãi về giá SGK mới cao hơn do giấy đẹp, khổ to, các chuyên gia đã có quan điểm thế nào?
“Không thể nói thay đổi SGK khổ to, giấy đẹp rồi dồn hết vào giá sách để phụ huynh phải chịu”
Sách giáo khoa mới sẽ tiếp tục áp dụng cho học sinh lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh: CTV

Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin xung quanh việc SGK tăng giá. Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá sách cần so sánh tương đồng, tức là so sánh các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình GDPT 2018 với nhau.

Ví dụ sách mới cho lớp 1, 2, 3, 7, 10 tức là một hệ thống biên soạn mới xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội với nhiều bộ sách, các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

"Giá đó, nếu các bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá phát hành sách năm nay của Nhà xuất bản Giáo dục là giảm được từ 10 - 15% so với các sách tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Còn nếu so với các bộ sách cũ của chương trình GDPT 2006 thì đấy là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, với khổ nhỏ hơn, giấy xấu. Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì khác nhau nhưng so với sách của chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Phụ huynh, giáo viên nhận xét gì về giá SGK mới?

Những năm học gần đây, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 triển khai với lớp 1, lớp 2, lớp 6, nhiều bậc phụ huynh đều thấy bộ sách có nhiều đổi mới từ nội dung đến hình thức so với sách cũ. Về cảm quan, dễ dàng nhận thấy sách có chất liệu giấy đẹp, bóng, trắng sáng, các tranh ảnh bắt mắt, phù hợp với nội dung bài học và khổ giấy cũng to, rộng hơn. Chị Hà Thanh Huyền, phụ huynh ở quận Thanh Xuân nhận xét: "Khách quan mà nói nhìn cuốn sách mới thực sự đẹp, bắt mắt, hiện đại hơn nên học sinh cũng háo hức, tăng hứng thú học mỗi lần mở sách".

Anh Nguyễn Minh Đạt, phụ huynh quận Hà Đông, Hà Nội nêu ý kiến: "Tôi hiểu SGK là một loại hàng hóa đặc biệt nên việc tăng giá cũng là theo quy luật thị trường nói chung. Người dân thì không muốn cái gì tăng giá vì cuộc sống khó khăn mà thu nhập quá eo hẹp. Tuy nhiên, dù có tốn nhiều tiền hơn để mua sách thì tôi cũng nghĩ đến những mặt tích cực do bộ sách mới mang lại; sách sẽ theo con trọn một năm học và những kiến thức thu nhận được thực sự là vô giá".

Liên quan đến hình thức SGK mới, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên lớp 2 ở quận Cầu Giấy cho hay: "SGK mới sinh động, hấp dẫn và thẩm mỹ hơn sách cũ. Khi học theo chương trình GDPT 2018, cả cô và trò cùng bị cuốn vào bài học, học sinh cũng khá thích thú với sách mới".

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên Trường Tiểu học Times School cũng cho biết: "Tôi thấy sách mới (như bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) hay hơn nhiều so với sách cũ. Kênh hình sinh động, màu sắc tươi sáng, hấp dẫn học sinh. Học sinh lớp tôi thích đọc SGK vì giống như đang đọc một cuốn truyện tranh: nhiều tranh ảnh, hình minh họa, thêm tri thức cho các con".

Về tranh cãi SGK mới không sử dụng lại được, mỗi năm phụ huynh phải mua sách mới gây tốn kém, lãng phí, cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông thừa nhận, việc sử dụng lại SGK hiện rất ít, do học sinh chưa có ý thức giữ gìn bộ sách. Có những em, mới học được nửa học kỳ sách đã sờn rách, long gáy, quăn mép, mực dính, mất sách… dù trên lớp giáo viên đã kèm cặp và căn dặn kỹ về việc giữ gìn sách. Ngoài ra, tâm lý chung của nhiều phụ huynh là muốn mua sách mới cho con.

Tuy nhiên, quan điểm phụ huynh về giá thành sách giáo khoa không chỉ nằm ở khổ to, giấy đẹp mà còn ở chất lượng của sách. "Học sinh cần SGK có nội dung tốt dù in trên giấy xấu, 2 màu còn hơn trên giấy tốt, hình ảnh đẹp nhưng nội dung chưa ổn. Đừng mượn cớ này để tăng giá sách lên nhiều lần", một phụ huynh bày tỏ ý kiến.

Chị Trần Kim Ngân, phụ huynh quận Ba Đình, Hà Nội thì cho rằng vẫn cho phụ huynh khác SGK cũ sau khi con học xong. Thế nhưng, mỗi môn có nhiều loại vở bài tập đi kèm song lại ít khi sử dụng. Đây mới là điều gây lãng phí.

Không thể vì khổ to, giấy đẹp mà tăng giá SGK

Trao đổi với PV báo Báo về chủ đề giá SGK mới cao hơn so với bộ sách cũ, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho hay: "Muốn đầu tư để có được chương trình SGK mới tốt thì nhà nước phải đứng ra làm. Khi đã có nội dung SGK rồi thì tính toán đến khâu phát hành. Khâu phát hành cần phải tính toán lại chứ không để thả nổi như bây giờ".

Theo TS Khuyến, không thể nói thay đổi SGK bản to, giấy đẹp hơn rồi dồn hết vào giá sách để phụ huynh phải chịu. Ban đầu, nhà xuất bản phải chịu chi phí, thậm chí bù lỗ. Sau khi ổn định rồi thì những năm tiếp theo mới thu lời được. Mới khóa đầu tiên dùng sách giáo khoa mà dồn vào giá thì đó là điều quá vô lý.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: "Nhà nước nên quy định giá trần. Phải bóc tách, kiểm soát các khâu biên soạn nội dung, in ấn, phát hành. Sách được in giấy đẹp, khổ to nhưng khâu in ấn có sự cạnh tranh không hay các đơn vị tự tính chi phí dễ dẫn tới tiêu cực nâng giá thành".

Giá sách giáo khoa cao 200-300%, PGS Long cho rằng: "Giá sách tăng sẽ khiến cho nhiều gia đình khó khăn, đặc biệt gia đình nông thôn, miền núi rất khó khăn. Đối tượng trung lưu và thượng lưu thích hình thức đẹp thì mua một bộ sách sẽ không vấn đề gì. Nhưng hiện nay nhiều gia đình thu nhập thấp, phải tính toán chi tiêu cho từng đồng. Đây là vấn đề cần phải bàn một cách nghiêm túc để đảm bảo lợi ích cho tất cả con em đi học".

PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, sách giáo khoa ở bậc phổ thông nên được nhà nước bảo trợ, còn sách ở bậc đại học có thể theo giá thị trường.

Lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới được áp dụng thực hiện như sau:

Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1;

Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật