Bãi ‘cọc gỗ’ bê tông tái hiện các trận thủy chiến lừng danh của Việt Nam

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm “cọc gỗ” được đúc bằng bê tông, đầu bịt thép nhằm tái hiện trận đại thắng quân Mông Nguyên, nằm trong khu di tích Bạch Đằng Giang ở Hải Phòng.
Bãi ‘cọc gỗ’ bê tông tái hiện các trận thủy chiến lừng danh của Việt Nam
Bãi cọc gỗ Cao Quỳ được dựng lại bằng chất liệu bê tông, thuộc khu di tích Bạch Đằng Giang, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Xem Video: Bãi ‘cọc gỗ’ bê tông tái hiện các trận thủy chiến lừng danh của Việt Nam

Cách trung tâm thành phố Hải Phòng 18km, hàng trăm “cọc gỗ” với chất liệu bê tông, đầu bịt thép, được dựng lên nhằm tái hiện trận chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền, chiến thắng quân Tống của vua Lê Đại Hành và đại thắng quân Mông Nguyên của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Bãi cọc này nằm trong khu di tích Bạch Đằng Giang, là nơi lưu lại những dấu tích về những trận thủy chiến lừng danh thế giới của Việt Nam.

"Lần đầu tiên tôi đến đây thì thấy nơi này tái hiện lịch sử tiền nhân, con cháu sau này mới biết được. Nếu như hiện tại mà không làm thế này, chỉ nói không thôi thì còn cháu không biết được, mà đây là sự thật. Mấy cái cọc này bây giờ là nói lên sự thật, không phải là thêu dệt, về chứng tích thời Ngô Quyền. Mình có thể đứng đây nói chuyện với nhau là nhờ tiền nhân, phải tái hiện cái này để biết ơn tiền nhân. Tin chắc là người dân sẽ rất quan tâm. Nếu có điều kiện thì họ cũng sẽ đi thôi", ông Trần Quá, du khách Bình Định cho biết.

3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn được đúc tượng đồng.

Bên cạnh bãi cọc gỗ là quảng trường Chiến Thắng, được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2.000 m2, sử dụng chất liệu đá granite vươn mình ra sông. Trên quảng trường này, 3 pho tượng uy nghiêm về 3 vị anh hùng dân tộc gắn liền với các trận chiến trên sông Bạch Đằng gồm: Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành và Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cả 3 pho tượng này có chất liệu bằng đồng đúc nguyên khối nặng gần 40 tấn với chiều cao 8 m.

Toàn cảnh quảng trường Chiến Thắng và bãi cọc Cao Quỳ.

"Toàn bộ nhân dân thị trấn Minh Đức rất tự hào khi có một di tích lịch sử trên địa bàn đã chứng kiến ba lần quân dân nhà Trần, chiến thắng quân Mông Nguyên. Đây cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân thị trấn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Đây cũng là một địa điểm lịch sử để giáo dục cho các thế hệ con em chúng ta trong thời gian tới. Di tích Bạch Đằng Giang có các hạng mục công trình thờ các tướng quân, và quan trọng nhất là bãi cọc là những minh chứng của địa điểm lịch sử đã chứng kiến các trận đánh của quân và dân nhà Trần thắng quân Nguyên Mông", ông Vũ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng chia sẻ.

Bao quanh khu di tích Bạch Đằng Giang là các nhà máy xi măng đã tồn tại từ lâu. Việc bảo tồn di tích "cọc gỗ" cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là thách thức không nhỏ. Năm 2020, UBND TP.Hải Phòng quyết định đầu tư 362 tỷ đồng xây dựng đường dẫn và công trình khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật