Tiền ảo tăng nóng, cấp thiết hoàn thiện khung pháp lý

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong một tháng qua, giá bitcoin tăng gần 37%, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là sớm đưa ra hành lang pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo.
Tiền ảo tăng nóng, cấp thiết hoàn thiện khung pháp lý
Rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ sự tăng giá của thị trường tiền ảo. Ảnh: Đ.T

“Mùa đông” tiền ảo kết thúc?

Giữa tuần này, giá tiền ảo bitcoin (BTC) vọt lên mức trên 57.500 USD/BTC, tăng gần 37% chỉ tính riêng trong tháng 2/2024 và đứng ở mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trước đó, bitcoin đóng cửa năm 2023 ở mức giá 42.000 USD/BTC, tăng hơn 150% sau khi rơi vào cảnh đóng băng năm 2022. Mức giá kỷ lục mà bitcoin đạt được là 69.000 USD/BTC năm 2021.

Các nhà đầu tư kỳ vọng sự kiện halving - phân đôi sẽ diễn ra vào tháng 4/2024. Đây là sự kiện 4 năm một lần, trong đó phần thưởng cho việc khai thác một khối bitcoin sẽ giảm đi một nửa, tạo động lực tăng giá cho đồng tiền ảo này.

Rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ sự tăng giá của thị trường tiền ảo, đặc biệt là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2024 của các ngân hàng trung ương và động thái mua vào của các “cá mập”. Trong nửa cuối tháng 2/2024, MicroStrategy (MSTR) - công ty sở hữu bitcoin lớn nhất - chi 155 triệu USD để mua thêm 3.000 bitcoin, với giá trung bình 51.813 USD/BTC. Tiền ảo đang trở thành kênh trú ẩn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất, căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực.

Các chuyên gia đánh giá, việc các quỹ ETF bitcoin giao ngay được chấp thuận sẽ là yếu tố để nâng giá các đồng tiền mã hóa trong năm 2024. Theo dự báo của chuyên gia Sciberras từ Collective Shift, “việc phê duyệt thành lập quỹ ETF có thể kéo theo dòng tiền từ 30-300 tỷ USD đổ vào bitcoin”.

Tuy vậy, tương lai của bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác vẫn hết sức khó đoán, nhất là khi tiền ảo vẫn không được ngân hàng trung ương các quốc gia chấp thuận trở thành phương thức thanh toán.

Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây còn khẳng định, bitcoin chưa phát huy tiềm năng như một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung toàn cầu và giá trị hợp lý chỉ bằng 0. Trong báo cáo vừa phát hành, các cố vấn của ECB tiếp tục chỉ trích bitcoin, nhấn mạnh nó không thể trở thành một loại tiền điện tử phi tập trung toàn cầu, mà đã trở thành nạn nhân của lừa đảo và thao túng.

Thừa nhận việc cắt giảm lãi suất dự kiến từ Fed trong năm nay và sự kiện halving sắp tới tiếp thêm động lực cho đà tăng của tiền điện tử, song các chuyên gia của ECB cho rằng, đây là thành công ngắn ngủi của bitcoin. Các quan chức ECB cũng kêu gọi các chính quyền cần cảnh giác khi theo dõi tội phạm liên quan đến bitcoin.

Sớm xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo

Nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng như EU, Nhật Bản, Mỹ, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp. Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý.

- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý, song đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.

Tuần qua, Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủ‌ng b‌ố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.

Theo báo cáo gần đây của Crypto Crunch App, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD.

Như vậy, các giao dịch tiền mã hóa diễn ra ở Việt Nam rất mạnh mẽ, nhà đầu tư vẫn thực hiện các giao dịch mua/bán tiền ảo qua tài khoản ngân hàng.

Theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết, chú trọng vào các vấn đề như: công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật