Chuyên gia nêu “cảnh báo đỏ” việc xây hai đập dâng trên sông Hồng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện nay, hiện các dòng sông lớn ở nước ta đều có tình trạng chung ’tụt’ đáy. Nguyên nhân là do ở thượng nguồn làm công trình thủy điện, hồ chứa… khai thác cát thiếu kiểm soát, dẫn đến lòng dẫn bị hạ xuống. Trong đó, đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chuyên gia nêu “cảnh báo đỏ” việc xây hai đập dâng trên sông Hồng
Bộ NN&PTNT đã đề xuất UBND TP Hà Nội xây hai đập ở khu vực Xuân Quan (Hưng Yên) và Long Tửu (Hà Nội), dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030.

Không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước

Khảo sát của viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho thấy, trong những năm qua, lòng sông Hồng và sông Đuống đều bị xói sâu. Trên sông Đuống cao độ đáy sông hiện hạ thấp từ (4-6)m, còn trên sông Hồng tại vị trí Sơn Tây đáy sông hạ thấp đến 5m. Trên toàn tuyến sông, việc mở rộng mặt cắt diễn biến rất phức tạp, thay đổi theo từng năm sau mùa lũ, thay đổi vị trí từng đoạn sông. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi. Nhiều công trình bị trơ đáy dẫn đến mực nước ngoài sông nhiều thời kỳ còn thấp hơn cả cao trình đáy cống.

Đặc biệt, trên hệ thống Thủy nông sông Nhuệ (đầu mối cống Liên Mạc) đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề; hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có khi chỉ đạt thấp hơn 50% theo thiết kế ban đầu. Đáng chú ý, mực nước ngầm trên toàn vùng Đồng bằng sông Hồng cũng bị hạ thấp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, giao thông thủy có lúc bị tê liệt.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cách đây 10 năm, các hồ thủy điện ở miền Bắc chỉ cần xả khoảng 1-2 tỷ m3 là đủ nước tưới cho vụ Đông Xuân. Nhưng từ cách đây ba năm, ngay cả khi lượng nước được xả gấp đôi cũng vẫn không lấy được nước tưới tiêu do lòng sông bị hạ thấp và hệ thống bơm dẫn ở vị trí cao. Để cung cấp nước cho vụ Đông Xuân năm nay, ngành Thủy lợi buộc phải làm lại gần như tất cả trạm bơm, nối dài ống để chủ động lấy nước từ sông Hồng. "Nếu đợi xả thì 6 hay 7 tỷ m3 cũng không thể lấy được nước. Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ riêng với sông Hồng mà với nhiều dòng sông khác trên cả nước, do đó cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao đáy sông lên. Nếu không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước lên", ông Hiệp nói.

Để khắc phục tình trạng này, sau khi phân chia vùng hạ du sông Hồng thành 3 tiểu vùng, viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đề xuất 10 vị trí xây dựng công trình đập dâng điều tiết (công trình Ba Lạt trên sông Hồng; công trình trên sông Ninh Cơ, công trình trên sông Đáy, công trình trên sông Trà Lý, Công trình trên sông Hóa, công trình trên sông Mới, công trình Đò Hàn trên sông Thái Bình….).

Tuy nhiên, theo đánh giá của viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, trong trường hợp chưa đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống, giai đoạn đầu chỉ cần đầu tư xây dựng 2 cụm công trình điều tiết phía hạ lưu cống Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội) và cụm công trình điều tiết phía hạ lưu cống Xuân Quan (Hưng Yên) đã giải quyết được nhiều vấn đề về an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng. Theo đó, kết cấu đập dâng nước sẽ gồm các cửa van điều tiết và nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng sông mùa kiệt. Về mùa lũ các cửa điều tiết được kéo lên hoặc nằm chìm đáy, do đó không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy về mùa lũ.

Nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động lên dòng sông

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ NN&PTNT đã đề xuất UBND TP Hà Nội trước mắt nghiên cứu xây hai đập ở khu vực Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) và Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội), dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhận định, khi làm đập dâng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng phụ khác như làm dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, tác động tới hệ sinh thái, sinh vật, chất lượng nước…

"Mặc dù có những mặt trái và tác động, nhưng việc xây đập trên sông Hồng được đánh giá là cần thiết. Việc xây đập trên sông Hồng không phải chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, mà việc xây đập sông Hồng còn đảm bảo môi trường nước cho Hà Nội và các khu vực xung quanh. Khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa. Thậm chí có thể bổ cập nước cho những dòng sông "chết" như sông Tô Lịch, làm "sống" lại dòng sông. Việc này là rất quan trọng bởi muốn các dòng sông sống lại như xưa thì phải xây dựng đập dâng sông Hồng. Cùng đó, trong Quy hoạch Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch TP hai bên sông, mà không thể xây dựng TP hai bên sông mà nhìn mãi không thấy sông, thấy nước đâu cả", ông Hiệp cho biết.

Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng đập dâng tại cống Xuân Quan và Long Tửu, GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cái được đầu tiên là dâng được mực nước để các công trình thủy lợi ở ven sông cũng như các sông nội địa đều có thể lấy nước một cách chủ động.

"Dâng nước đương nhiên là đáp ứng các yêu cầu về chủ động lấy nước để cung cấp cho các ngành kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhưng về tác dụng phụ, khi nói đến đập ngăn sông thì ai cũng nghĩ ngay đến việc thoát lũ một con sông như thế nào cho đảm bảo. Thứ hai, sông thường có giao thông thủy nên sẽ có thể bị ảnh hưởng. Thứ ba, luồng di chuyển của cá cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Tất cả đều cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng", GS Học khẳng định.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đồng quan điểm cho rằng khi xây đập dâng trên sông Hồng cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Sông Hồng là dòng sông cổ, độ dốc gần bằng 0. Con người nạo vét cát đã làm cho dòng sông bị thấp xuống. Các nhà khoa học từng chứng minh, những hạt cát, hạt lơ lửng đã bị hồ chứa Hòa Bình, Sơn La giữ mất, giờ lại thêm mấy đập dâng ở giữa sông, cát không xuống được nữa, dòng sông Hồng sẽ xuống thấp không phải 1m mà là 2m. Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, mục đích chính của đề xuất xây đập dâng trên sông Hồng có thể là để phục vụ cho nông nghiệp nhưng hiện nay nông nghiệp ĐBSH đang theo hướng chuyển đổi vì lượng nước không đủ, phải chuyển sang cây trồng khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật