Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền lớn ra thị trường, lãi suất tăng mạnh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngân hàng Nhà nước vừa bơm lượng tiền lớn qua kênh OMO, đồng thời nâng lãi suất kênh này lên 4,25%.
Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền lớn ra thị trường, lãi suất tăng mạnh
Lượng tiền lớn đã được Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường phiên 23/4

Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trở lại thị trường

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước về kết quả đấu thầu thị trường mở (OMO) ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã thành công mua có kỳ hạn tín phiếu, theo đó đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 36.000 tỷ đồng thông qua kênh này với kỳ hạn 14 ngày.

Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu phiên này đã tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ giữa năm 2023.

Cùng với đó thì khoản vay qua kênh OMO hôm 16/4 (kỳ hạn 7 ngày) cũng đáo hạn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng, từ đó hút về số tiền tương ứng.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện chào bán hẳn tín phiếu, có 2 thành viên trúng thầu với số tiền hút về là 2.150 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 23,73%/năm. Đồng thời lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 cũng đáo hạn, theo đó Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại thị trường 3.700 tỷ đồng.

Như vậy trong ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 25.500 tỷ đồng ra thị trường, mặt bằng lãi suất đã được nâng lên.

Kênh OMO thời gian gần đây được Ngân hàng Nhà nước tích cực sử dụng để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng. Sau một thời gian dài hút tiền về thì những phiên gần đây, nhà điều hành đã bơm tiền trở lại thị trường.

Trước đó, vào phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu đầu thầu qua kênh mua với kỳ hạn 14 ngày, thay vì kỳ hạn 7 ngày như trước đó. Giá trị trúng thầu hôm 22/4 là 8.562,5 tỷ đồng.

Còn trong tuần liền trước, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 32.860 tỷ đồng thông qua kênh 7 ngày với lãi suất đều là 4%.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước phát hành 13.100 tỷ đồng tín phiếu, với mức lãi suất cao hơn (3,7%) trên tổng số 69.700 tỷ đáo hạn cả tuần qua.

Theo thống kê của SSI Research, trong tuần trước, nhà điều hành đã bơm ròng 79.500 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành giảm về lên mức 66.450 tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn ở mức 32.900 tỷ đồng.

Việc Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra hệ thống trong bối cảnh tín dụng nhích tăng. Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 29/3, tăng trưởng tín dụng đã tăng 1,34% sau thời gian dài tăng trưởng âm suốt từ đầu năm.

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt

Việc bơm, hút tiền qua kênh OMO cũng được cho là một nghiệp vụ quan trọng trong điều hành tỷ giá. Theo đó, việc tăng lãi suất OMO sẽ có tác động tới lãi suất VND trên thị trường 2, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (thị trường dân cư).

Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn chủ chốt là qua đêm đang ở mức 3,87%/năm; kỳ hạn 1 tuần là 4,37%/năm; 2 tuần là 4,29%/năm…

Cùng với động thái bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở thì từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Mức giá bán USD can thiệp của nhà điều hành là 25.450 đồng.

Tuy nhiên, với áp lực lớn từ đồng USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá trong nước vẫn chưa nguội đáng kể. Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm các phiên gần đây.

Đến ngày 23/4, tỷ giá trung tâm đã ở mức 24.275 VNĐ/USD, tăng 271 đồng kể từ đầu tháng. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại vẫn kịch trần, phổ biến ở mức 25.488 VNĐ/USD.

Tại họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung vẫn đảm bảo sự ổn định. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Từ những ngày đầu tháng 4, tỷ giá có xu hướng tăng mạnh với mức độ mất giá của VNĐ so với đầu năm là khoảng 4,9%.

Theo NHNN, tỷ giá tăng mạnh thời gian qua chủ yếu là do chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) tăng rất nhanh, trong vòng hơn 3 tháng đầu năm đã tăng hơn 5%, lên trên 106 điểm.

Cùng với đó, nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu tăng cao. Đây là tín hiệu rất tốt cho phục hồi kinh tế nhưng cũng tạo áp lực lớn lên ngoại tệ. Đồng thời, để đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì nhiều doanh nghiệp tăng mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lại chuyển về hiện tại…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật