Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo một số đại biểu Quốc hội, việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là không cần thiết bởi sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng, trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự, đó là Quỹ dự trữ bắt buộc.
Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận, chiều 27/5. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Chiều 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Có sự trùng lắp về mục đích giữa 2 quỹ

Góp ý về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết mục đích của quỹ là rất tích cực, tuy nhiên khi đặt quỹ này trong tổng thể các quy định của dự thảo Luật đang được xây dựng thì có sự trùng lắp về mục đích với Quỹ dự trữ bắt buộc. Theo dự thảo Luật, mục đích của Quỹ dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán, do vậy cũng bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Thực tế cho thấy sau gần 12 năm thành lập và trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, vẫn chưa phải sử dụng đến nguồn quỹ này. Trong hồ sơ dự án Luật, quỹ cũng ít có khả năng phải sử dụng.

Nêu vấn đề một quỹ ít có khả năng phải sử dụng đến, trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc việc không tiếp tục duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm như Phương án 1 đã nêu trong dự thảo Luật.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận tại hội trường, chiều 27/5. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Đại biểu phân tích thêm, việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nếu duy trì hai quỹ trong quá trình thực thi, trường hợp phải sử dụng nguồn quỹ trên để thanh toán cho người được bảo hiểm sẽ còn phát sinh thêm vấn đề phân chia tỷ lệ chi trả của từng quỹ, mỗi quỹ bao nhiêu phần trăm và người được bảo hiểm nhận thanh toán từ nguồn quỹ khác nhau.

Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành không tiếp tục duy trì trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; đồng thời cho rằng, cần phải có những quy định rõ ràng về quản lý sử dụng hiệu quả số dư hiện nay.

Có chung quan điểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) và đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cũng đề xuất bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Duy trì trích nộp quỹ phòng trường hợp xấu xảy ra

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng cần tiếp tục duy trì quỹ nhằm bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, qua đó góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Theo đại biểu, việc 12 năm qua quỹ này vẫn chưa được sử dụng là đáng mừng bởi điều này cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, trong hoạt động có những phức tạp khó lường, do đó việc trích lập quỹ là cần thiết vì khi có trường hợp xấu xảy ra, quỹ sẽ được dùng để chi trả cho người mua bảo hiểm, bảo đảm họ không bị mất quyền lợi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý cần đánh giá kỹ nguồn hình thành quỹ bao gồm từ nguồn nào, đồng thời đề xuất có thể cho phép doanh nghiệp được trích một phần quỹ để phục vụ kinh doanh và không làm lãng phí nguồn lực; và việc trích lại quỹ tỷ lệ bao nhiêu sẽ do Chính phủ quy định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu thảo luận. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Giải trình, làm rõ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quỹ này được tính vào chi phí bảo hiểm, trước đây mức trích nộp là 0,3% doanh thu, bây giờ Chính phủ đề xuất giảm xuống còn 0,05%. Như vậy sẽ có 3 lớp bảo vệ gồm ký quỹ, Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Bộ trưởng cho rằng không thể khẳng định khi một doanh nghiệp có 3 lớp bảo vệ thì không có khả năng xảy ra sự cố và mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp đó, quỹ này sẽ được sử dụng để chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Bộ trưởng cũng cho biết, trong trường hợp Quốc hội thống nhất bỏ trích nộp quỹ thì sẽ giao lại cho Chính phủ và Quốc hội xử lý số dư của quỹ.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất, đó là bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ.

Lý giải điều này, ông Thanh cho rằng dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của cả 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm, do đó không cần thiết duy trì đồng thời cả 2 quỹ.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 14565
  1. Không được cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
  2. Quy hoạch tốt nhất là quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân
  3. Đại biểu nói quy hoạch có sự chồng chéo, Bộ trưởng Xây dựng nói gì?
  4. Quốc hội lùi thời gian trình 5 dự án giao thông trọng điểm
  5. Thiếu thông tin về quy hoạch dẫn đến “sốt ảo”, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai
  6. Cuộc giám sát tối cao “xanh chín” và “chưa tiền lệ” của Quốc hội
  7. Nhiều phiếu đề xuất chất vấn tiếp bộ trưởng Bộ GD-ĐT về giá sách giáo khoa
  8. Trình Quốc hội 2 đường vành đai, 3 cao tốc trong tuần này
  9. Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp phải dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính
  10. Tuần tới, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô
  11. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không nên nghĩ “cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”
  12. Cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm
  13. Đại biểu Quốc hội phản biện Bộ trưởng Giáo dục về giá sách giáo khoa
  14. Nhà nước tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ
  15. Đại biểu Quốc hội: 4 vận động viên được đề xuất tặng Huân chương Lao động có phải viết báo cáo thành tích?
  16. Đề xuất người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội
  17. Truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận của Quốc hội trên sóng Truyền hình Quốc hội
  18. Chủ tịch nước: Trẻ em phải được ưu tiên tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh
  19. Bộ trưởng GD-ĐT lý giải vì sao sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần
  20. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Xã hội hóa có rất nhiều sai phạm
  21. Chủ tịch nước: Thanh tra sở “ngồi chơi xơi nước” nhiều, cần tính toán lại
Video và Bài nổi bật